Tin tức & Sự kiện

Khoa QT-KTQT: Hội nghị chuẩn đầu ra và góp ý chương trình đào tạo

Ngày 26 tháng 6 năm 2015, Khoa Quản trị - Kinh tế quốc tế đã tổ chức buổiHội nghị chuẩn đầu ra và góp ý chương trình đào tạovới mục đích đào tạo và nâng cao chất lượng giảng dạy theo nhu cầu của xã hội.

Thành phần tham dự buổi Hội thảo:

Về phía Khoa QT -  KTQT có:

  • TS. Nguyễn Văn Tân_Trưởng Khoa (Chủ trì Hội thảo).
  • Các trưởng bộ môn cùng toàn thể các Thầy/Cô trong Khoa.

Về phía Doanh nghiệp có:

  • Ông Nguyễn Thoại Hồng - Phó Giám đốc công ty cổ phần Cáp nhựa Vĩnh Khánh
  • Ông Khiếu Mạnh Tường - Tổng Giám đốc công ty CP SX – TM Thuận Phong
  • Luật sư Lê Việt Cường - Văn phòng Luật sư Lê Việt Cường
  • Bà Trần Phương Ánh - Trung tâm Viễn thông VNPT Đồng Nai

Bên cạnh đó còn có đại diện cho sinh viên là ban các sự các lớp năm thứ 3 - Khoa QT–KTQT.

Hội nghị chuẩn đầu ra và góp ý chương trình đào tạo này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là cơ sở để Khoa QT – KTQT xây dựng chuẩn đầu ra theo yêu cầu của nhà Trường. Buổi hội thảo tập trung nhấn mạnh đến các vấn đề về chương trình đào tạo, đề cương môn học, tài liệu giảng dạy, tài liệu tham khảo, trình độ ngoại ngữ, các kỹ năng mềm và thái độ cần trang bị cho sinh viên,…đối với 3 ngành đào tạo của Khoa: Quản trị kinh doanh, Kinh tế (Ngoại thương) và Luật Kinh tế.

Tại Hội thảo, Ông Nguyễn Thoại Hồng nhấn mạnh đến các kỹ năng sinh viên cần trang bị trong quá trình học, theo đó thì sinh viên ngành Ngoại thương cần được trang bị các kỹ năng như:

- Kỹ năng chuyên môn: Là kỹ năng cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ công việc xét trên phạm vi hẹp cá nhân như: nghiên cứu thị trường, đàm phán, ký kết, soạn thảo hợp đồng, điều hành hoạt động ngoại thương...

- Kỹ năng mềm: Là kỹ năng để tương tác với những người khác trong tổ chức nhằm mục đích hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân và mục tiêu của tổ chức một cách tốt nhất. Ví dụ như: Kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, kỹ năng lãnh đạo, làm việc nhóm, quản lý thời gian, xử lý khủng hoảng, sáng tạo và đổi mới...Trong đó có 3 kỹ năng quan trọng nhất bắt buộc phải có: kỹ năng hội nhập để tồn tại, kỹ năng giải quyết vấn đề - hiện nay người Việt Nam rất kém kỹ năng này và kỹ năng giải quyết khủng hoảng, đặc biệt là khủng hoảng của bản thân. Ngoài ra, khía cạnh đạo đức được xem là hàng đầu. Đó là tự tin, trách nhiệm và trung thực. Bên cạnh đó, theo Ông, lòng tốt sẵn sàng giúp đỡ mọi người là một yếu tố không thể thiếu được đối với các nhân viên và luôn được lãnh đạo các doanh nghiệp chú trọng.

Trong khi đó, Ông Khiếu Mạnh Tường nhấn mạnh đến các yếu tố như:

- Sinh viên cần được trang bị các kiến thức về luật: Nếu được trang bị các kiến này từ khi còn trên ghế Nhà trường, thì sinh viên sẽ biết được cách thức nghiên cứu, tìm kiếm, lĩnh vực nào do ngành luật nào điều chỉnh, các hoạt động do cơ quan nào quản lý, tự tin hơn khi giao tiếp, giao dịch với khách hàng.

- Nhấn mạnh vai trò của việc tiếp cận thực tế trong quá trình học của sinh viên: Xuất phát từ thực trạng hiện nay là quá trình thực tập của sinh viên chưa đạt hiệu quả. Sinh viên chủ yếu được vào công ty thực tập nhờ những mối quan hệ, không thực tập nghiêm túc nên không nắm được văn hóa ứng xử, cách thức trao đổi cũng như cách thức báo cáo. Theo Ông, khi bắt đầu đi vào kiến thức chuyên ngành, sinh viên cần được tăng cường từ 2 đến 4 tiết để tiếp cận thực tế tại doanh nghiệp và được lồng ghép xuyên suốt, rải rác. Từ đây, những thắc mắc của sinh viên sẽ được doanh nghiệp giải đáp, không còn khoảng cách quá xa giữa lý thuyết và thực tiễn.

Còn Ông Lê Việt Cường thì lưu ý:

- Chuẩn đầu ra của Khoa cần bổ sung thêm mối quan hệ xã hội: Nhà trường và Khoa cần tăng cường các mối quan hệ với các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên mới ra trường tìm việc làm. Bên cạnh đó, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo để khẳng định sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Lạc Hồng là đạt chuẩn của xã hội.

- Sinh viên tốt nghiệp ngành Luật Kinh tế cần đáp ứng các yêu cầu: Tuân thủ pháp luật Việt Nam và quốc tế trong quá trình hình thành và hoạt động của doanh nghiệp, thực hiện đúng pháp chế, quy định của pháp luật, nắm vững kiến thức pháp luật để vận dụng vào pháp luật chuyên ngành...

- Sinh viên mới ra trường khi bắt đầu làm việc đừng ngần ngại, hãy mạnh dạn đề xuất giải pháp, trình bày với lãnh đạo. Vì lãnh đạo đôi khi không cần bạn phải đề xuất giải pháp phù hợp mà việc dám nghĩ, dám làm của bạn cũng rất đáng được ghi nhận.

Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo Khoa và đại diện các Doanh nghiệp còn trả lời, giải đáp các thắc mắc của các bạn sinh viên tham dự hội nghị. Cuối buổi hội nghị, TS. Nguyễn Văn Tân đã đại diện Ban lãnh đạo Khoa cảm ơn, ghi nhận các ý kiến đóng góp của đại diện các Doanh nghiệp.

Buổi hội nghị đã diễn ra thành công với rất nhiều ý kiến đóng góp từ các thành viên tham dự. Thông qua buổi hội nghị, Ban lãnh đạo Khoa sẽ tổng hợp lại các ý kiến đóng góp từ phía các giảng viên, các vị đại diện các doanh nghiệp, các bạn sinh viên,… để từ đó hoàn thiện chuẩn đầu ra phù hợp cho các ngành theo yêu cầu của Nhà trường.

Một số hình ảnh của Hội nghị:

Khoa Quản Trị KTQT

hội nghị, chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, sinh viên, quản trị


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        13,888,000       5/570