Tin tức & Sự kiện

Việt Nam đang dư thừa rất nhiều lương thực

 Chỉ tính riêng trong quý đầu của năm 2008, Việt Nam xuất khẩu 930 nghìn tấn gạo, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Thái Lan đã xuất khẩu 3,26 triệu tấn gạo, tăng 66%.

  
Chuyên gia Phạm Hoàng Ngân

Chúng ta có rất nhiều thuận lợi trong tình hình hiện nay. Dự báo trong 10 năm tới, gạo hạt dài sẽ chiếm khoảng 3/4 thương mại lúa gạo toàn cầu, khách hàng là các nước ở Nam và Đông Nam Á, Trung Đông và phần lớn các nước vùng Sahara - châu Phi, châu Mỹ Latinh. Việt Nam xuất gạo hạt dài là chủ yếu, trong khi Thái Lan xuất gạo thơm, gạo hạt dài đặc biệt và gạo nếp.
Dự báo trong giai đoạn 2007 - 2017, xuất khẩu gạo của Thái Lan và Việt Nam sẽ chiếm khoảng một nửa lượng gạo xuất khẩu của thế giới.
Người Việt đang giảm tiêu dùng gạo
- Xin cho biết tổng quan về tình hình tiêu dùng gạo của Việt Nam như thế nào?
Cùng với việc đời sống được nâng cao, nhu cầu tiêu dùng gạo của người dân Việt Nam đang có xu hướng giảm. Bình quân một người Việt Nam trong năm 1992 tiêu dùng đến 155,6 kg gạo, nhưng đến năm 2004 chỉ còn 124 kg.
Tiêu dùng gạo bình quân đầu người mỗi năm
1992
1998
2002
2004
155,6 kg
149 kg
126 kg
124 kg
(Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn)
Trong vụ thu hoạch lúa đông xuân vừa qua, năng suất của ĐBSCL đạt khá cao, trung bình là 60 tạ/ha, cao nhất có nơi đạt 80-85 tạ/ha, sản lượng khoảng 9,3 triệu tấn. Chỉ tính riêng sản lượng một vụ này, sau khi trừ đi nhu cầu cả năm cho tiêu dùng, nuôi gia súc, và làm giống, thì ĐBSCL vẫn còn dư ra khoảng 3,8 triệu tấn gạo.
Ở miền Bắc, mặc dù bị lùi lịch thời vụ, đến giữa tháng 3 các địa phương đã cơ bản gieo cấy xong lúa đông xuân. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông (NN-PTNT), năng suất cũng như sản lượng lúa gạo của miền Bắc trong vụ này không bị ảnh hưởng lớn.
- Diện tích và sản lượng lúa gạo của Việt Nam đã thay đổi như thế nào trong mấy năm gần đây? Các chính sách của Nhà nước liên quan đến quản lý diện tích đất canh tác lúa ở Việt Nam cho tới nay?
Năm 2007 diện tích trồng lúa của nước ta vẫn đạt 7,2 triệu ha (qui đổi cho 3 vụ trên diện tích thực là 4,2 triệu ha), tuy đã giảm từ 7,5 triệu ha của năm 2002. Năng suất cũng khá ổn định do có khoảng 80% diện tích là đất trồng lúa tưới, chỉ có 20% là đất phụ thuộc vào mưa.
Diện tích lúa (qui đổi) thu hẹp chủ yếu là do giảm diện tích lúa vụ mùa, lúa vụ ba, đồng thời một số địa phương chuyển đổi diện tích lúa năng suất thấp, thiếu nước sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Công nghiệp hoá cũng phần nào làm thu hẹp đất nông nghiệp, trong đó có khoảng 300.000 ha đất trồng lúa có tưới.
Từ năm 2004, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 29/2004/QH về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010. Năm 2008, Bộ NN-PTNT đang phối hợp với các bộ ngành cùng soạn thảo Chiến lược Phát triển lúa gạo đến năm 2015 và 2020. Dự kiến bản chiến lược sẽ được trình Chính phủ vào quý 3/2008. Trong đó, có quy hoạch cụ thể về diện tích sản xuất lúa gạo theo từng vùng sinh thái.
Tham gia vào nhóm soạn thảo trên, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp - Nông thôn (IPSARD) có phân tích và dự báo cung-cầu lúa gạo thế giới và trong nước, rà soát  hiện trạng hệ thống chính sách và đề xuất cơ chế chính sách về sản xuất và tiêu thụ lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực.
 
 
 
Chúng ta vừa phải kiềm chế lạm phát, vừa phải cải thiện thu nhập cho nông dân trồng lúa (ảnh minh họa: Vĩnh Kim)
- Chúng ta vừa phải kìm giữ chỉ số giá tiêu dùng, vừa muốn bà con nông dân trồng lúa được tăng thu nhập, vậy chiến lược của Việt Nam là gì?
Ngày 17/4/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP về 8 biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Theo đó, Bộ Công thương chủ trì và phối hợp với Bộ NN-PTNT đề xuất cơ chế chính sách bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trên thị trường nội địa, bảo đảm an ninh lương thực và kiềm chế sự tăng giá quá mức của nhóm hàng này. Điều hành và kiểm soát để xuất khẩu gạo năm 2008 ở mức 3,5-4 triệu tấn.
Tuy hạn chế xuất khẩu gạo, nhưng Chính phủ đã chỉ đạo ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn thu mua lúa. Tháng 3/2008, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu ngân hàng thương mại các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL phải chủ động đảm bảo nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các đơn vị kinh doanh lương thực để mua lúa, gạo xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, nhất là vào thời điểm thu hoạch rộ của các vụ sản xuất lúa trong năm 2008.
Các kho gạo đang đầy
- Xin cho biết, sản lượng lúa gạo mỗi năm là bao nhiêu, được sử dụng cho tiêu dùng trong nước, cho xuất khẩu và cho dự trữ như thế nào?
Sản lượng lúa năm 2007 đạt 35,87 triệu tấn. Nhu cầu lúa cho chăn nuôi và làm giống là 8,3 triệu tấn. Lượng lúa còn lại cho chế biến gạo còn 27,7 triệu tấn. Theo dự báo của FAS/USDA, lượng lúa nhập từ Campuchia vào Việt Nam năm 2009 sẽ lên đến 400 nghìn tấn (năm 2006 là 350 nghìn tấn). Như vậy, tổng lượng cung lúa cho chế biến gạo đạt khoảng 28,1 triệu tấn.
Với lượng lúa trên, trong năm 2007 tổng cung gạo của Việt Nam đạt 17,7 triệu tấn. Tiêu dùng gạo trong nước chỉ hết 12,73 triệu tấn. Xuất khẩu gạo năm 2007 là 4,5 triệu tấn. Như vậy, lượng gạo tồn kho cuối năm 2007 đã tăng thêm 400 nghìn tấn so với đầu năm 2007.
- Diễn tiến thu mua lúa gạo và dự trữ có thể tác động đến thu nhập của nông dân trồng lúa như thế nào?
Trong tháng 4/2008, các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua gạo rồi đưa vào kho dự trữ, đẩy giá lúa gạo tại ĐBSCL tăng liên tục. Tính đến 23/4, ở các tỉnh ĐBSCL, giá lúa dài loại thường lên đến 5000-5300 đồng/kg, tăng 800-1000 đồng/kg so với tháng trước; giá gạo lức nguyên liệu đạt 7000 đồng/kg, tăng 800 đồng/kg so với tháng trước.
Vấn đề đặt ra hiện nay là các kho chứa hàng của các doanh nghiệp đều có hạn và chỉ dự trữ được gạo trong một thời gian nhất định. Hiện tại, kho hàng tại các nhà máy chế biến gạo xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp đều đã gần đầy. Tình hình này có thể ảnh hưởng đến giá bán của bà con nông dân trong vụ tới.
- Giá gạo trên thị trường Việt Nam do thị trường quyết định hay Nhà nước điều phối? Nếu có, mức độ và biện pháp điều phối là gì?
Giá lúa gạo trong nước được điều chỉnh hoàn toàn theo cơ chế thị trường, do các yếu tố cung-cầu quyết định.  Ngay từ khâu đầu tiên của chuỗi giá trị gạo, quan hệ mua bán gạo giữa nông dân trồng lúa với thương lái đã được tạo dựng trên cơ sở thuận mua vừa bán.
Nhà nước hỗ trợ thị trường bằng việc cung cấp thông tin. Hiện nay nhiều tổ chức đang cung ứng thông tin thị trường lúa gạo rất tốt cho người dân như: bản tin lúa gạo tuần của Trung tâm Thông tin Phát triển NNNT, giá thị trường lúa gạo của Trung tâm Tin học và Thống kê, Trung tâm Thông tin Thương mại…
Hoàn toàn an tâm về an ninh lương thực
- Nói về vấn đề an ninh lương thực. Hiện nay lương thực dự trữ quốc gia là bao nhiêu? Mức dự trữ được quyết định trên cơ sở nào?
Căn cứ vào tình hình sản xuất, tiêu dùng lương thực, mục tiêu an toàn lương thực quốc gia, thời hạn lưu kho và quy trình công nghệ bảo quản, hàng năm Cục Dự trữ quốc gia phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định các chỉ tiêu kế hoạch về lương thực dự trữ quốc gia, trong đó có mức dự trữ; cơ cấu thóc - gạo; lượng mua vào; lượng bán ra…  
Những năm trước, trong điều kiện diễn biến thuận lợi về thời tiết, khí hậu, an ninh chính trị, mức dự trữ an toàn tại Cục Dự trữ quốc gia tương đương tổng tiêu dùng của cả nước trong 3 tháng. Tuy nhiên, con số thực tế còn cao hơn rất nhiều do chưa tính đến lượng dự trữ tại các tổng công ty lương thực, tại các công ty lương thực cấp tỉnh, và tại kho của nhà máy…
Trong bối cảnh khủng hoảng an ninh lương thực thế giới hiện nay, chắc chắn Chính phủ sẽ có điều chỉnh mức dự trữ. Nhắc lại, chỉ riêng trong năm 2007 lượng gạo tồn kho của Việt Nam đã tăng thêm 400 ngàn tấn.
- Khi cần thiết, liệu chúng ta có thể dễ dàng tăng diện tích trồng lúa vụ 3 để tăng sản lượng?
Trong vài năm trước, do tăng vụ quá nhiều dẫn đến rầy nâu bùng phát, chúng ta có chủ trương cắt vụ 3 để nhanh chóng dập dịch bệnh trên lúa.
Theo tôi, trong bối cảnh giá gạo đang tăng cao như hiện nay, việc trồng lúa vụ ba sẽ giúp tăng sản lượng lúa gạo, giúp bà con nông dân thu thêm nguồn lợi từ hạt lúa. Riêng năm 2007, diện tích lúa vụ 3 ở ĐBSCL đạt khoảng 350.000 ha, và cho sản lượng khoảng 1,4 triệu tấn lúa.
Để duy trì lúa vụ ba lâu dài, bà con nông dân cần được hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ bệnh tốt, thực hiện xuống giống tập trung theo chỉ đạo của Cục Trồng trọt. Trên một khu đồng, cần sử dụng nhiều giống khác nhau, diện tích mỗi giống không quá 20% tổng diện tích gieo trồng. Việc này rất cần có sự hợp tác chặt chẽ của chính bà con nông dân với các nhà quản lý và chính quyền địa phương.
- Ở Việt Nam đang có những quan điểm khác nhau về khuyến khích trồng lúa chất lượng cao hay lúa cao sản ngắn ngày?

Trong thời điểm khủng hoảng của thế giới hiện nay, để tăng nhanh sản lượng, việc trồng các giống lúa năng suất cao, ngắn ngày là thượng sách. Tuy nhiên, lúa chất lượng cao là con đường phát triển bền vững, nằm trong Chương trình phát triển sản xuất lúa của Bộ NN-PTNT.  

www.vnn.vn

dư thừa, lương thực, việt nam


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        15,473,111       25/1,333