Tin tức

Béo phì (phần 1)

Béo phì là bệnh rối loạn chuyển hóa, đặc trưng bởi trọng lượng cơ thể dư thừa. Những nguyên nhân gây béo phì là sự mất cân bằng giữa năng lượng đưa vào và năng lượng tiêu hao, chứng rối loạn ăn uống. Ngoài ra, béo phì còn liên quan đến yếu tố di truyền, một số rối loạn nội tiết, do dùng thuốc… Các biến chứng bao gồm các bệnh tim mạch, đái tháo đường, một số bệnh ung thư, sỏi mật, bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chuyển hóa, xơ gan, thoái hóa khớp, rối loạn sinh sản ở nam và nữ, rối loạn tâm lý và đối với người có BMI ≥ 35 là tử vong sớm. Chẩn đoán dựa trên BMI. Điều trị bao gồm thay đổi lối sống (ví dụ: chế độ ăn uống, hoạt động thể chất, hành vi), thuốc chống béo phì và phẫu thuật giảm béo. 

1. ĐỊNH NGHĨA

Tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân, được nhận định bằng chỉ số khối cơ thể – BMI (theo WHO). Một người châu Á trưởng thành, trừ người có thai, nếu có BMI trong khoảng 23 – 24,9 được xem là thừa cân, BMI 25 – 29,9 là béo phì độ I, BMI > 30 là béo phì độ II. 

2. DỊCH TỄ

 Theo báo cáo của WHO năm 2022, trên thế giới có khoảng 2,5 tỷ người trưởng thành bị thừa cân. Trong đó, hơn 890 triệu người mắc béo phì. Tỷ lệ thừa cân ở các nước Đông Nam Á và Châu Phi khoảng 31%, ở Châu Mỹ khoảng 67%. Tỷ lệ béo phì trên toàn thế giới đã tăng gấp đôi từ năm 1990 đến 2022. 

Năm 2022, ước tính có 37 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân. Tại Châu Phi, số trẻ em dưới 5 tuổi thừa cân đã tăng gần 23% kể từ năm 2000. Gần một nửa số trẻ em dưới 5 tuổi ở Châu Á bị thừa cân, béo phì. Hơn 390 triệu trẻ em (từ 5 đến 19 tuổi) bị thừa cân, tăng từ 8% (năm 1990) lên 20% (năm 2022). 

Nghiên cứu được công bố vào năm 2018 về bệnh không lây nhiễm, ăn uống và dinh dưỡng ở Việt Nam trong thời gian từ 1975 – 2015 cho thấy tần suất thừa cân, béo phì trên người lớn ở Việt Nam là 2,3% vào năm 1993 và tăng lên đáng kể 15% vào năm 2015, tỷ lệ ở thành thị gấp gần 2 lần so với nông thôn (22,1% so với 11,2%). Một thống kê năm 2021 cho kết quả tương tự với tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và Hồ Chí Minh chiếm 18% tổng số lượng người thừa cân, béo phì trên toàn quốc. Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường 5-19 tuổi tăng từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.

3. BỆNH NGUYÊN

3.1 Nguyên nhân về dinh dưỡng

Nguyên nhân dinh dưỡng của béo phì là đa dạng, chủ yếu do:

  • Tăng quá mức lượng năng lượng ăn vào.
  • Ăn quá nhiều: nghĩa là ăn một lượng thức ăn nhiều hơn nhu cầu của cơ thể.
  • Chế độ ăn “giàu” chất béo.
  • Ở trẻ em: tiêu thụ quá nhiều chất ngọt làm tăng nguy cơ béo phì. 

3.2 Nguyên nhân di truyền

Tế bào mỡ dễ dàng phân chia theo một trong hai cách:

  • Quá sản: vừa tăng thể tích, vừa tăng số lượng tế bào mỡ (tăng gấp 3 - 4 lần), xảy ra cho trẻ em hoặc tuổi dậy thì, khó điều trị.
  • Phì đại: tế bào mỡ to ra do gia tăng sự tích tụ mỡ nhưng không tăng số lượng hay gặp ở người lớn, tiên lượng tốt hơn. 

3.3 Nguyên nhân nội tiết: hiếm

  • Hội chứng Cushing: phân bố mỡ ở mặt, cổ, bụng, trong khi chi gầy nhỏ.
  • Cường insulin: do u tụy tiết insulin, tăng ăn ngon, ăn nhiều và tân sinh mô mỡ, tăng tiêu glucid.
  • Giảm hoạt tuyến giáp: hiếm
  • Tổn thương hạ đồi do chấn thương, bệnh lý ác tính, viêm nhiễm, suy sinh dục, giảm gonadotropin.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang.

   3.4 Nguyên nhân mô bệnh học

  • Tăng sản quá mức số lượng tế bào mỡ mà kích thước tế bào mỡ có thể bình thường.
  • Phì đại tế bào mỡ mà số lượng tế bào mỡ không tăng hoặc chỉ tăng khi các tế bào mỡ phì to hết cỡ.

3.5 Nguyên nhân do thuốc

Tăng cân có thể là sản phẩm của các hormon steroid và 4 nhóm chính của các thuốc kích thích tâm thần:

  • Kháng trầm cảm cổ điển (3 vòng, 4 vòng, ức chế MAO).
  • Benzodiazepin.
  • Lithium.
  • Thuốc chống loạn thần.

  3.6 Nguyên nhân khác

  • Lối sống tĩnh tại, lười hoạt động thể lực.
  • Hút thuốc khi mang thai: con cái của các bà mẹ hút thuốc khi mang thai có nguy cơ gia tăng trọng lượng đáng kể về sau này.

Tuy nhiên, bệnh nhân béo phì có thể do có nhiều nguyên nhân phối hợp

4. SINH LÝ BỆNH

Bilan năng lượng: Bilan năng lượng cân bằng nếu cung cấp (thức ăn) bằng tiêu thụ (vận động cơ, hoạt động các cơ quan). Béo phì xuất hiện do mất cân bằng này hoặc do cung cấp gia tăng hoặc do tiêu thụ giảm.

Sự điều hòa thể trọng: quá trình này thông qua nhiều hormon, đặc biệt là leptin.

Yếu tố di truyền: Béo phì có yếu tố gia đình: 69% người béo phì có cha hoặc mẹ béo phì, 18% có cả hai.

Vai trò vùng dưới đồi

  • Các tác nhân alpha-adrenergic: kích thích sự ăn làm tăng cân, tác động lên nhân cạnh thất.
  • Các tác nhân beta-adrenergic: ngược lại làm chán ăn.

Beta-endorphin: các thụ thể này làm dễ sự tiết insulin, gây ăn nhiều làm tăng cân.

Các hormon

  • Insulin là hormon làm tân sinh mỡ.
  • Glucagon tác dụng đối kháng insulin.
  • Enkephalin và catecholamin từ tuyến thượng thận cũng có vai trò trong điều hòa thể trọng.
  • Hormon sinh dục và thượng thận có vai trò trong phân bố mỡ.

Vai trò của stress: làm tăng beta-endorphin và adrenalin ở người béo phì, từ đó làm tăng đường huyết, tác dụng phối hợp của 2 hormon này thiết lập sự liên hệ giữa stress, béo phì và đái tháo đường type 2.

Thái độ ăn uống: trung tâm đói và no do vùng dưới đồi điều khiển, thái độ ăn uống có thể bị thay đổi do thuốc, chẳng hạn thuốc thần kinh (amphetamin) làm giảm ngon miệng, chống trầm cảm 3 vòng làm tăng sự ngon miệng. Các yếu tố tâm lý liên quan đến môi trường như giáo dục, đời sống gia đình, môi trường công việc...có thể làm rối loạn thái độ ăn uống, từ đó có thể làm ăn nhiều hoặc chán ăn.

Thuốc: nhiều loại thuốc làm tăng cân như các thuốc an thần kinh, muối lithium, corticoid, đồng hóa protein, sinh progesteron, và có khi osestrogen (làm tăng ngon miệng).

5. TRIỆU CHỨNG 

Hình 1. Các triệu chứng của béo phì

6. CHẨN ĐOÁN BÉO PHÌ

Chỉ số khối cơ thể (BMI)

BMI (kg/m2) = Cân nặng (kg)/Chiều cao (m2)

Bảng 1.  Đánh giá tình trạng thừa cân, béo phì theo tiêu chuẩn của WHO áp dụng cho người Châu Á

Vòng bụng

Dụng cụ sử dụng thước dây chia vạch do Việt Nam sản xuất đạt tiêu chuẩn của Cục đo lường Việt Nam.

Cách đo: Bệnh nhân đứng thẳng hai chân, hai bàn chân cách nhau 10 cm, trọng lượng cơ thể đều trên hai chân, bộc lộ vùng đo, cho bệnh nhân thở đều đặn, đo lúc thở ra nhẹ, tránh co cơ.

Vòng bụng: được đo ngang qua đường giữa bờ trên xương chậu và bờ dưới xương sườn cuối cùng. Sai số không quá 0,1 cm. Kết quả tính bằng centi mét (cm).

 

Đánh giá kết quả: béo phì dạng nam (béo phì phần trên cơ thể, béo phì kiểu bụng, béo phì hình quả táo, béo phì trung tâm) khi vòng bụng ≥ 90 cm ở nam và ≥80 cm ở nữ.

(Theo Bộ Y tế và Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam).

Hình 2. Phương pháp đo vòng bụng

Phương pháp DEXA hấp thụ năng lượng kép

Hình 3. Các thông số đánh giá thành phần khối cơ thể bằng kĩ thuật DEXA

Phương pháp hấp thụ năng lượng kép được xem là “tiêu chuẩn vàng” để đánh giá lượng mỡ cơ thể. DEXA đã được sử dụng rộng rãi để nghiên cứu quá trình khử khoáng xương (bone demineralization) và loãng xương và thể hiện một tiến bộ đáng kể trong đánh giá lượng mỡ cơ thể vì nó dễ sử dụng trong các môi trường lâm sàng và độ chính xác cao hơn giúp phân biệt mô nạc và mỡ so với các phương pháp trước đó như đo kháng lực dưới nước toàn thân (hydrodensitometry). DEXA định nghĩa một công nghệ theo đó sự suy giảm bức xạ ở 2 năng lượng được sử dụng để xác định 2 thành phần của mô suy giảm, hoặc xương và mô mềm hoặc mô nạc và mỡ. 

Gần đây, DEXA đã được sử dụng để đánh giá sự phân bố mỡ trong cơ thể trong từng vùng. Mỡ bụng thường được đo giữa thân đốt sống L1 và L4 trên hình ảnh chụp DEXA. Đánh giá mỡ cơ thể của DEXA đòi hỏi rất ít bức xạ (1 μSv), vì vậy cho phép đo lặp đi lặp lại thích hợp sử dụng trong môi trường lâm sàng. Quá trình đo bằng DEXA cũng rất nhanh chóng và dễ dàng, áp dụng cho cả người khỏe mạnh và người bệnh.

ThS. Kim Ngọc Sơn

ThS. Nguyễn Hiếu Minh

Khoa Dược

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        1,972,514       1/718